Năm 1977, lần đầu tôi lên Đà Lạt, qua những thung lũng vàng rực, bát ngát dã quỳ, ngây ngất vì rừng thông và con đèo Prenn hớp hồn mời gọi… Ôi, sao nước ta lại có những rừng thông đẹp thế, đẹp mê mẩn, ngẩn ngơ… Rồi vườn hoa thành phố “muôn hồng nghìn tía”, đồi Cù với thảm cỏ xanh khiến ta muốn nằm lăn cùng nó, hồ Xuân Hương thơ mộng, thung lũng Tình yêu và hồ Than thở cùng cái tên Tây ghi mãi trong lòng từ thuở học trò Lac des soupirs (hồ của những tiếng thở dài)… Hằng năm các tour du lịch Đà Lạt từ Hà Nội kéo về đây tham quan rất đông.
Dường như Đà Lạt là xứ sở của tình yêu, là miền dành riêng cho văn chương, nghệ thuật… Về sau, rừng thông bị chặt phá, đồi Cù thành sân gôn, thung lũng Tình yêu bị bê tông hóa…, tôi tiếc ngẩn ngơ như vừa chia tay với người yêu… Dẫu biết biển dâu dời đổi, nhưng sao nhanh quá thể, chỉ vài chục năm, mà lại do con người nhỏ bé “đổi dời”… Tuy vậy, tôi vẫn cứ yêu Đà Lạt mộng mơ và Đà Lạt vẫn tiếp tục cho tôi tình yêu để viết những chuyện tình… trên “khách sạn ngọn cây”…
Đà Lạt được mọi người xưng tụng là đất của xứ ngàn hoa. Thôi không phải nói nhiều lễ hội hoa được chăm chút để thu hút lòng người. Chỉ chuyện dã quỳ cứ vô tư nở rực, vàng chóe cả những vạt đất hoang hai bên đường, hương hoa nồng nàn tràn vào tận xe, bất chấp cửa kính và máy lạnh cản ngăn du khách yêu hoa như thời chúng còn hoang sơ ở miền đất con người chưa dày vò vọc phá… Tôi đã có lần dừng xe bên đường, mê mẩn ngắm bạt ngàn dã quỳ và ướp vào lòng cái hương thơm nguyên sơ đó…
Lần này đi du lịch lên Đà Lạt, tôi náo nức muốn biết cây phượng trắng “duy nhất ở Việt Nam” mà báo mạng, báo in đưa tin sôi nổi… May cho tôi, cây phượng đang vào cuối mùa, nhưng những chùm bông trắng phau vẫn còn trên nhánh. Phượng trổ bông trong khuôn viên rộng rãi của ngôi biệt thự xinh xắn, khiêm tốn. Cổng vào đang mở và mấy cô du khách với máy ảnh, sổ, bút trên tay.
Hỏi chuyện mới biết họ là người Singapore, đi chơi Đà Lạt, nghe có phượng trắng nên đến xem. Bà chủ vườn tươi cười đón chúng tôi. Đó là tiến sĩ sinh học Hà Ngọc Mai, người Chợ Gạo, Tiền Giang, du học ở Pháp từ trước ngày giải phóng và trở về nước rất sớm từ năm 1978 cùng chồng là tiến sĩ Trần Hà Anh, nguyên Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt.
Chị Mai kể: Mười hai năm trước, trong một lần đi thăm cháu ngoại ở Sydney (Australia), chị được con gái mua tặng một cây giống phượng tím ghép nhánh ra bông trắng, một cây hoa đẹp và lạ. Chị cắc củm mang về, trồng trong vườn. Sáu, bảy năm sau, hoa ra lác đác và có sắc trắng tinh khôi. Đến năm nay, hoa ra nhiều, rực rỡ… Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quen thân với gia đình chị đã gọi điện chúc mừng, mừng luôn xứ ngàn hoa giờ có thêm phượng trắng. Click Tại Đây để xem bài viết: Đà Lạt xứ sở của hoa và quả
Một vài nghệ nhân hoa và cây kiểng ở Đà Lạt đến xin cành để ghép, đoàn cán bộ của một công ty công viên cây xanh TPHCM cũng lên xem phượng trắng bàn cách nhân giống cây. Du khách bốn phương lên Đà Lạt cũng không bỏ qua dịp này, đến xem phượng trắng… Mới hơn mười năm mà “biển dâu” đã “dời đổi” theo hướng làm ấm áp lòng người…
Trong phòng khách đơn sơ và trang nhã của gia đình, anh Trần Hà Anh cho biết, thật ra phượng trắng không phải là giống biến đổi gien của phượng tím như vài tờ báo đưa tin. Nó với phượng tím cùng họ, cùng chi, nhưng phượng trắng thuộc loại alba, có ở hầu khắp các châu lục, nhất là ở Nam Mỹ.
Tiến sĩ Anh nói vui: “Cây phượng vườn tôi như cô gái đến độ xuân thì, trước đây dăm năm, nó cũng ra hoa, nhưng còn lác đác, nay hoa đã đến độ mãn khai…”. Vâng, thiên nhiên có quy luật của nó, con người đừng khờ dại hay nôn nóng mà định “dời đổi” thiên nhiên…
Chiều nay trời Đà Lạt đổ mưa. Tôi ngồi lo cho phượng trắng… Còn phượng trắng có rụng vì mưa hay không là chuyện của trời. Phượng trắng rụng hoa nhưng cà phê thì cảm ơn mưa vàng mưa bạc. Nhưng tôi chẳng buồn, vì phượng trắng sẽ rụng hoa theo luật trời, như dã quỳ hoang sơ vẫn cứ nở tràn đường lên Đà Lạt.
Rồi mùa xuân sang năm, phượng trắng lại trổ hoa, có khi còn rực rỡ hơn, như những cây phượng tràn trề hoa trắng cùng đàn con trẻ tung tăng dưới gốc, trong những tấm hình màu tuyệt đẹp mà tôi vừa xem trên mạng, với tên truy cập white jacaranda…